“Tôi lớn lên ở miền quê Đồng bằng Bắc Bộ, nơi có những câu ca dao, lời kể về sự tích bánh chưng, bánh giầy. Ở đó, con người được gắn kết với sự tròn đầy về tình cảm; luôn có những bài học về lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, người thân, đôi khi được thể hiện giản dị qua lời chúc vuông, tròn cho những ai sắp sinh, lời hỏi thăm hay trái ngọt đầu mùa kính dâng lên những bậc sinh thành”, nhà điêu khắc Lê Văn Khuy chia sẻ. Những hình ảnh ấy đã đi sâu vào tiềm thức một cách tự nhiên, để rồi trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong các sáng tác của anh.
Nhà điêu khắc Lê Văn Khuy (thứ hai, từ phải sang) tại triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc. Ảnh: VÂN HÀ
Tác phẩm phù điêu được chia làm 3 phần. Hai bức phù điêu khổ nhỏ hai bên, kể câu chuyện lễ nghĩa và không khí ngày Tết. Tấm phù điêu đầu tiên họa hình khối người dâng lễ vật lên ông bà, tiên tổ, mang đậm ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Một tấm phù điêu khổ nhỏ khác thể hiện không khí ngày Tết đậm chất thôn quê khi họa hình người gói bánh chưng, món bánh truyền thống không thể thiếu trong gia đình mỗi dịp Tết đến, xuân về. Và tấm phù điêu khổ lớn đặt ở trung tâm, tái hiện khung cảnh gia đình gồm bố mẹ, con cái bên nhau đầm ấm.
Cả 3 tấm phù điêu nối lại với nhau, xâu chuỗi bằng sợi dây liên kết đỏ, ngụ ý về sự bền vững, về nguồn sức mạnh gia đình như dòng chảy mãi. Nhà điêu khắc Lê Văn Khuy cho biết: “Thông qua tác phẩm, tôi muốn nói, chúng ta hãy cùng trở lại tình cảm cốt lõi của gia đình-thứ tình cảm đơn sơ mà vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Cộng hưởng những giá trị đó chính là điều làm nên truyền thống cốt lõi của Việt Nam, là cách để soi chiếu, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt”.
Trong quá trình thực hành với điêu khắc, Lê Văn Khuy đã tạo ra nhiều tác phẩm cùng mảng đề tài gia đình nhưng đa phần trên chất liệu gốm. Với “Trời tròn đất vuông” cũng là lần đầu tiên anh thử nghiệm điêu khắc nền gỗ và composite-loại nhựa cốt sợi thủy tinh, phủ bề mặt sơn mài. Anh cho biết, trước đây với gốm, việc tạo tác không phải qua các khâu trung gian nhưng lại khó đoán định màu sắc. Còn lần này, nghệ sĩ phải trải qua các công đoạn làm cốt, tạo khuôn để ra chất liệu, từ đó mới vẽ sơn mài lên bề mặt. Công việc này tốn khá nhiều thời gian bởi đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết, phức tạp. Tác phẩm lần này được anh thực hiện từ cuối năm 2022, đến tháng 6-2023 mới hoàn thành.
Nhà điêu khắc Lê Văn Khuy tâm sự, bức phù điêu mang tính thử nghiệm chất liệu mới, kích thước khá lớn với tổng diện tích gần 7m2, chứa nhiều chi tiết nhỏ, cầu kỳ. Có những chi tiết, nghệ sĩ phải làm đi làm lại nhiều lần. Chưa kể, sơn mài trên bề mặt nổi đòi hỏi kỹ thuật cao, phải rất kỳ công và kiên nhẫn.
Thực hành nghệ thuật kỳ công là vậy nhưng Lê Văn Khuy chia sẻ, anh gửi tác phẩm tham gia Cuộc thi và triển lãm 5 năm điêu khắc toàn quốc với một “tâm thế bình thường”. Bởi với anh, hạnh phúc lớn nhất chính là được sáng tác, được thông qua ngôn ngữ điêu khắc để giữ lại những giá trị của văn hóa, của truyền thống. Tác phẩm “Trời tròn đất vuông” đã giành giải nhì cuộc thi (năm nay không có giải nhất), như một cầu nối giúp nghệ sĩ lan tỏa thông điệp từ nghệ thuật.
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.